5 cách để suy nghĩ tích cực giúp bạn thực hành ngay

Những người có suy nghĩ tích cực thường lạc quan trong mọi tình huống. Đây là một phần vô cùng quan trọng trong việc quản lý căng thẳng, stress và những sang chấn tâm lý. Bạn quản lý căng thẳng tốt cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Còn nếu bạn là người đang có xu hướng bi quan, đừng tuyệt vọng – Bài viết này cung cấp cho bạn 5 cách để suy nghĩ tích cực để bạn có thể thực hành và gặt hái kết quả ngay.

Suy nghĩ tích cực – Suy nghĩ tiêu cực

Suy Nghĩ Tích Cực:

Là lối tư duy lạc quan, hướng đến giải pháp và những khả năng tốt đẹp trong mọi tình huống. Người có suy nghĩ tích cực thường tập trung vào các khía cạnh tích cực của cuộc sống và tin rằng mọi việc sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Họ nhìn nhận khó khăn như cơ hội để học hỏi và trưởng thành.

Nghiên cứu cho thấy những người suy nghĩ tích cực có khả năng xử lý căng thẳng và thách thức tốt hơn. Họ cũng có xu hướng hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Khi bạn có cách để suy nghĩ tích cực và thực hành chúng mỗi ngày, bạn tin rằng ngay cả khi mọi thứ khó khăn, vẫn luôn còn hy vọng và giải pháp giải quyết vấn đề.

Ví dụ như: Khi bạn gặp khó khăn trong công việc, bạn sẽ nghĩ “Đây là cơ hội để tôi phát triển kỹ năng và tìm ra giải pháp sáng tạo.” – thì đây là suy nghĩ tích cực.

Suy Nghĩ Tiêu Cực:

Ngược lại với suy nghĩ tích cực, suy nghĩ tiêu cực là lối tư duy tập trung vào những điều xấu, lo lắng về kết quả tồi tệ, và luôn mong đợi điều xấu xảy ra.

Người có suy nghĩ tiêu cực thường dễ bị căng thẳng, lo âu và có cái nhìn bi quan về cuộc sống và tương lai. Khi tâm trí bị chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực, người có suy nghĩ tiêu cực dễ dàng bị mất động lực, cảm thấy bế tắc và khó có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Suy nghĩ tiêu cực cũng có thể làm giảm sự tự tin và khiến bạn tránh né các cơ hội tốt.

Ví dụ tương tự như tình huống ở trên, thay vì tìm cách để suy nghĩ tích cực, bạn lại nghĩ: “Tôi không thể xử lý tình huống này, mọi thứ sẽ hỏng bét và tôi sẽ thất bại.” – Đây chính là suy nghĩ tiêu cực.

Sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực

Suy nghĩ tích cực có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến căng thẳng như bệnh tim mạch, cao huyết áp và trầm cảm. Nó cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện giấc ngủ và làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Không chỉ vậy, khi bạn có cách để suy nghĩ tích cực, tinh thần lạc quan của bạn sẽ giúp một người phục hồi nhanh chóng hơn sau một lần bệnh.

Cụ thể, khi bạn có suy nghĩ và tư duy tích cực, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích có thể cải thiện sức khỏe tổng thể của mình, bao gồm:

Người ta cũng cho rằng những người tích cực và lạc quan thường có xu hướng sống lành mạnh hơn — họ hoạt động thể chất nhiều hơn, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh hơn và không hút thuốc hoặc uống rượu quá mức.

Cách để suy nghĩ tích cực

1 – Thực hành “Lòng Biết Ơn” mỗi ngày

Lòng biết ơn là một trong những cách để nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực hiệu quả nhất. Khi bạn tập trung vào những điều mình biết ơn, tâm trí bạn sẽ ít bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực và lo lắng. Để thực hành lòng biết ơn, bạn hãy ghi chép lại những điều bạn biết ơn mỗi ngày.

  • Hàng ngày, bạn dành thời gian để ghi lại 3-5 điều bạn cảm thấy biết ơn. Những điều này có thể là bất cứ điều gì, từ những điều lớn lao như sức khỏe và gia đình, đến những điều nhỏ nhặt như một bữa ăn ngon hay một khoảnh khắc vui vẻ.
  • Khi viết nhật ký, hãy cố gắng mô tả chi tiết tại sao bạn biết ơn những điều đó. Điều này giúp tăng cường cảm giác trân trọng và làm cho việc thực hành này trở nên sâu sắc hơn.
  • Khi bạn cảm thấy buồn chán hoặc tiêu cực, hãy đọc lại những trang nhật ký cũ. Điều này nhắc nhở bạn về những điều tốt đẹp đã xảy ra trong cuộc sống của bạn.

Thực hành lòng biết ơn hàng ngày là cách đơn giản nhưng hiệu quả để duy trì và phát triển suy nghĩ tích cực. Qua việc tập trung vào những điều tốt đẹp, bạn sẽ dần dần thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống và nâng cao sức khỏe tinh thần của mình.

2- Thực hiện lối sống lành mạnh

Một trong những cách để suy nghĩ tích cực đó là duy trì mục tiêu tập thể dục mỗi ngày 30 phút. Để được thoải mái, bạn cũng có thể chia nhỏ các bài tập thể dục nhỏ với khoảng thời gian 5 hoặc 10 phút trong ngày. Tập thể dục có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng và giúp bạn giảm căng thẳng.

Không chỉ vậy, việc bạn thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng sẽ cung cấp năng lượng tươi mới cho tâm trí và cơ thể bạn. Ngủ đủ giấc và học cách kiểm soát căng thẳng cũng giúp bạn có được lối sống lành mạnh.

3 – Xây dựng môi trường sống tích cực

Các cụ xưa có câu: “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn thường tiếp xúc”. Đúng thế. Nếu muốn sống tích cực thì hãy chọn cách làm bạn với những người có lối sống lạc quan, tư duy tích cực. Họ sẽ là người đủ tin tưởng để đưa ra những lời khuyên, phản hồi hữu ích mỗi lúc bạn cần. Và họ cũng sẽ là người đồng hành đáng tin cậy để giúp bạn quản lý căng thẳng theo những cách lành mạnh.

4 – Hít thở sâu và thư giãn

Đúng rồi, bạn không nghe lầm đâu. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, hãy dừng lại và thực hành hít thở sâu. Hít vào qua mũi trong 5 giây, giữ hơi thở trong 5 giây, và thở ra từ từ qua miệng trong 6 giây. Lặp lại quá trình này vài lần để giúp giảm căng thẳng và thư giãn.

Bạn có thể tự nói với chính mình rằng: “Dừng lại một phút – Hít một hơi thật sâu, thở ra thật chậm… – Thư giãn và cảm nhận sự thư giãn, bình an trong tâm trí…Từ từ cảm nhận hơi thở đi qua từng thớ cơ, từng tế bào,…đem theo sự thư giãn đến mọi nơi trong tâm trí và cơ thể…Cơ thể tôi dần thư giãn, bình yên và thoải mái…”

Kỹ thuật hít thở sâu này tuy đơn giản nhưng là cách để giúp bạn duy trì suy nghĩ tích cực cũng rất là hiệu quả. Phương pháp này cũng được sử dụng nhiều ở các thiền quán tu tập của Làng Mai.

Kỹ thuật thở và thư giãn sâu cũng là bước đầu trong một phiên thôi miên. Khi bạn nắm được kỹ thuật thôi miên căn bản, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng đi vào trạng thái thư giãn sâu bất cứ khi nào bạn muốn.

5 – Phát triển thói quen tư duy tích cực

Bạn có thể thực hành nói chuyện tích cực với chính mình mỗi ngày để phát triển thói quen tư duy tích cực. Hãy bắt đầu bằng cách liên tục nói những điều khích lệ bản thân.

“Nếu có bất cứ suy nghĩ tiêu cực nào xuất hiện trong tâm trí, hãy đánh giá nó một cách lý trí và phản hồi bằng những lời khẳng định về những điều tốt đẹp ở bạn. Hãy nghĩ về những điều bạn biết ơn trong cuộc sống.”

Hãy thử thực hành kỹ thuật thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực theo 2 bước đơn giản sau:

  • Nhận diện suy nghĩ tiêu cực: Trước tiên, bạn cần nhận diện những suy nghĩ tiêu cực đang diễn ra trong đầu. Hãy chú ý đến những từ ngữ hoặc câu hỏi tiêu cực bạn thường tự hỏi bản thân như “Tôi không thể làm được điều này” hoặc “Điều tồi tệ nhất chắc chắn sẽ xảy ra”…
  • Thay thế bằng suy nghĩ tích cực: Sau khi nhận diện suy nghĩ tiêu cực, hãy tìm cách thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực. Ví dụ, thay vì nghĩ “Tôi sẽ thất bại”, hãy chuyển thành “Tôi sẽ cố gắng hết sức, và đây là cơ hội để học hỏi”… Điều này giúp bạn chuyển hướng năng lượng tiêu cực thành động lực để hành động.

Kỹ thuật này, trong NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) gọi là kỹ thuật đổi khung (Reframe). Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chỉ chia sẻ ngắn gọn và đơn giản cách để bạn suy nghĩ tích cực nhanh nhất, đơn giản nhất có thể.

Ví dụ cách để suy nghĩ tích cực bằng việc đổi khung

  • Thay vì nói: “Tôi chưa từng làm điều đó trước đây” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Đây là cơ hội để học hỏi điều gì đó mới.”
  • Thay vì nói: “Nó quá phức tạp.” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Tôi sẽ giải quyết vấn đề này theo một cách khác.”
  • Thay vì nói: “Tôi không có đủ nguồn lực.” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Mọi nguồn lực tôi cần đều có xung quanh tôi.”
  • Thay vì nói: “Tôi không bao giờ có đủ thời gian để hoàn thành mọi thứ.” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Tôi sẽ ưu tiên những nhiệm vụ quan trọng và quản lý thời gian tốt hơn.”
  • Thay vì nói: “Nó hỏng rồi.” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Tôi sẽ có cách để sửa món đồ này và làm cho nó hoạt động”
  • Thay vì nói: “Mọi thứ luôn chống lại tôi.” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Dù có khó khăn, tôi sẽ tìm ra cách để vượt qua.”
  • Thay vì nói: “Tôi thất bại thật rồi…” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Tôi đã học được nhiều từ trải nghiệm này và sẽ làm tốt hơn lần tới.”
  • Thay vì nói: “Tôi không giỏi trong việc này.” – Bạn hãy tự nói với chính mình: “Tôi có thể cải thiện kỹ năng của mình bằng cách luyện tập và học hỏi thêm.”
  • Câu nói tiêu cực: “Cuộc sống của tôi thật tệ.” – Cách để suy nghĩ tích cực, là hãy nói: “Tôi sẽ tập trung vào những điều tốt đẹp và tìm cách cải thiện cuộc sống của mình.”
  • Câu nói tiêu cực: “Không ai hiểu tôi.” – Cách để suy nghĩ tích cực, là: “Tôi sẽ cố gắng diễn đạt rõ ràng hơn và mở lòng để người khác hiểu tôi hơn.”
  • Câu nói tiêu cực: “Tôi luôn gặp xui xẻo.” – Cách để suy nghĩ tích cực, là: “Mỗi thử thách là một cơ hội để tôi trở nên mạnh mẽ hơn.”

Thực hành suy nghĩ tích cực mỗi ngày

Nếu bạn có xu hướng có cái nhìn tiêu cực, đừng mong trở thành người lạc quan chỉ sau một đêm. Nhưng nếu luyện tập các cách để suy nghĩ tích cực liên tục, bạn sẽ có xu hướng trở nên tích cực và ít tự chỉ trích bản thân hơn. Bạn sẽ biết yêu thưng bản thân mình nhiều hơn và nhìn cuộc đời với con mắt lạc quan, yêu đời.

Khi trạng thái của bạn trở nên lạc quan, tích cực thì bạn cũng sẽ có cho mình cách để xử lý căng thẳng hàng ngày mang tính xây dựng hơn. Tư duy tích cực chính là cách để bạn sống vui khỏe, có ích mỗi ngày.

Bài viết này đã cung cấp cho bạn 5 cách để bạn suy nghĩ tích cực hơn. Cùng với đó là chuỗi những ví dụ cụ thể để bạn có thể áp dụng và thay đổi cách để suy nghĩ tích cực hơn. Hy vọng bài viết cung cấp nhiều giá trị cho bạn.

Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ, hãy email về cho Blog: hvthoimien@gmail.com

Chúc bạn một ngày vui, khỏe, và nhiều năng lượng tốt lành

Trần Đức Hưng

Sáng lập Blog Học thôi miên – Chuyên trang kiến thức thôi miên, tâm lý & NLP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang