Trong cuộc sống, ai cũng từng trải qua những cảm xúc tiêu cực như tức giận, lo lắng hay tổn thương. Tuy nhiên, thay vì để những cảm xúc này chi phối hành vi và quyết định của bạn, bạn hoàn toàn có thể chuyển hóa chúng thành những trải nghiệm tích cực hơn. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất chính là sử dụng 3 vị trí nhận thức trong NLP (Lập trình Ngôn ngữ Tư duy).
Vậy, cảm xúc tiêu cực là gì? 3 vị trí nhận thức trong nlp là gì? Làm thế nào để sử dụng kỹ thuật 3 VỊ TRÍ NHẬN THỨC của NLP để giúp bản thân và người khác chuyển hóa cảm xúc tiêu cực? Cách áp dụng chúng vào thực tế để thay đổi góc nhìn, cân bằng cảm xúc và cải thiện mối quan hệ? Hãy cùng Blog Học thôi miên tìm hiểu chúng thông qua bài viết này.

CẢM XÚC TIÊU CỰC LÀ GÌ?
Cảm xúc tiêu cực là những cảm giác không thoải mái, thường làm chúng ta cảm khó chịu. Đây là những cảm xúc có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng, hành vi và thậm chí sức khỏe của chúng ta.
Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association, tên viết tắt: APA)) thì “Cảm xúc tiêu cực là một phản ứng khó chịu, khi chúng ta gặp một ảnh hưởng tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực không có lợi cho việc tiến triển để đạt được mục tiêu của một người.”1
Ví dụ về cảm xúc tiêu cực như: tức giận, ghen tị, buồn bã, xấu hổ, sợ hãi…
Ngược lại với cảm xúc tiêu cực là cảm xúc tích cực. Cũng theo định nghĩa của APA2: “Cảm xúc tích cực là phản ứng cảm xúc để thể hiện một ảnh hưởng tích cực, chẳng hạn như hạnh phúc khi đạt được mục tiêu, nhẹ nhõm khi tránh được nguy hiểm hoặc bằng lòng khi hài lòng với tình trạng hiện tại.”
Tại sao cảm xúc tiêu cực lại có thể cản trở chúng ta đạt được mục tiêu?
Thứ nhất, cảm xúc tiêu cực có thể làm giảm động lực: Khi cảm thấy buồn/ tức giận hoặc sợ hãi, chúng ta có thể mất đi động lực để nỗ lực đạt được điều mình muốn.
Thứ hai: Cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến những hành động không lành mạnh như như la hét, cãi cọ, đánh nhau hoặc tự làm tổn thương chính mình.
Thứ ba, Cảm xúc tiêu cực có thể gây ra xung đột và làm hỏng mối quan hệ với người khác.
Đọc thêm: 8 bước thiết lập mục tiêu thành công
Nguyên nhân của cảm xúc tiêu cực
Có nhiều nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực. Sau đây là các nhóm nguyên chính:
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là các xung đột trong mối quan hệ.
Đây là nguồn phổ biến gây ra các cảm xúc tiêu cực. Trong quá trình đào tạo và coaching, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp cảm xúc tiêu cực phát sinh từ mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là các nhu cầu bị thiếu thốn.
Khi mà nhu cầu của chúng ta không được đáp ứng, thì chúng ta sẽ dễ phát sinh cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ: nhu cầu thể chất như không đủ ăn, không đủ mặc, không được ngủ đủ giấc. Nhu cầu về an toàn như không đủ tiền. Nhu cầu về xã hội như không được tôn trọng, không được đón nhận…vv.
Nhóm nguyên nhân thứ ba là kỹ năng đối phó của chúng ta chưa tốt.
Cảm xúc tiêu cực thường phát sinh sau những sự kiện tiêu cực. Cuộc sống hằng ngày có rất nhiều vấn đề. Và những vấn đề đó sẽ nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Quan trọng là chúng ta cần có kỹ năng ứng phó với chúng. Đôi khi một sự kiện tiêu cực chỉ có 2-3 điểm, nhưng mà với kỹ năng ứng phó chưa tốt thì nó sẽ khiến cảm xúc tiêu cực nâng lên thành 7-8 điểm.
Nói chung, kỹ năng ứng phó kém sẽ khiến cho vấn đề của chúng ta trở nên tồi tệ hơn.
PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HÓA CẢM XÚC TIÊU CỰC BẰNG KỸ THUẬT “CÁC VỊ TRÍ NHẬN THỨC TRONG NLP”
Trên mạng hiện có chia sẻ nhiều cách để kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Và, trong NLP cũng vậy. Có rất nhiều phương pháp hiệu quả để chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành các bài học tích cực. Một trong những phương pháp hiệu quả của NLP cho việc xử lý và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực chính là kỹ thuật CÁC VỊ TRÍ NHẬN THỨC (Hoặc BA VỊ TRÍ NHẬN THỨC/ KỸ THUẬT BA CHIẾC GHẾ).
Các vị trí nhận thức là gì?

Các vị trí nhận thức (3 NLP perceptual positions) là cách mà chúng ta nhìn nhận một tình huống từ nhiều góc khác nhau. Nói cách đơn giản và dễ hiểu hơn, vị trí nhận thức của NLP là một kỹ thuật NLP cho phép bạn nhìn nhận một sự kiện theo góc nhìn của bạn, một người khác và một người trung lập.
Kỹ thuật NLP này vô cùng hiệu quả và có thể được sử dụng để giải quyết xung đột nội tâm, đưa ra quyết định tốt hơn và nhiều tác dụng khác nữa.3
Giả sử như mình đang có mâu thuẫn với đồng nghiệp của mình, thì ở đây có các vị trí nhận thức như sau:
- Vị trí thứ nhất là góc nhìn và quan điểm của chính mình
- Vị trí thứ hai là góc nhìn và quan điểm của người đồng nghiệp. Có thể anh ta sẽ cảm nhận khác mình – dù là trong một tình huống.
- Vị trí thứ ba có thể là góc nhìn của những đồng nghiệp khác, vì họ là người ngoài cuộc nên sẽ sáng suốt hơn.
- Vị trí thứ tư, có thể là một người hoàn toàn xa lạ đang quan sát tình huống của mình và người đồng nghiệp.
Trong cùng một sự kiện, trong cùng một tình huống sẽ có nhiều vị trí nhận thức khác nhau.
Tại sao vị trí nhận thức lại quan trọng?
Khi có khả năng nhìn ở nhiều vị trí nhận thức thì có rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, bạn sẽ hiểu rõ hơn quan điểm và cảm xúc của người khác. Khi đã hiểu rồi, thì những tức giận, bực bội với người đó có thể sẽ vơi đi hoặc tan biến.
Thứ hai, bạn sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp và hóa giải những xung đột.
Thứ ba, bạn sẽ có khả năng chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực thành các bài học tích cực để phục vụ cho cuộc sống và công việc của mình.
Cách thực hiện thuật ba vị trí nhận thức của NLP
Mục đích
Kỹ thuật ba vị trí nhận thức của NLP giúp chuyển hóa cảm xúc tiêu cực như tức giận, khó chịu với một người nào đó thành những bài học tích cực.
Kỹ thuật này phù hợp khi bạn hoặc thân chủ của bạn đang có cảm xúc tiêu cực với một người cụ thể, trong một tình huống cụ thể.
Ví dụ chị A, cãi nhau với chồng, tuần trước. Vậy thì người cụ thể mà chị A đang có cảm xúc tiêu cực là người chồng. Tình huống cụ thể là cãi nhau trong tuần trước. Tình huống này cần có không gian và thời gian cụ thể.
Chuẩn bị

Để thực hiện kỹ thuật này, bạn cần chuẩn bị ba chiếc ghế được xếp thành hình tam giác. Mỗi chiếc ghế sẽ đại diện cho một vị trí nhận thức khác nhau:
- Chiếc ghế thứ nhất: thân chủ sẽ nhìn từ góc nhìn của chính mình.
- Chiếc ghế thứ hai: thân chủ sẽ nhập vai, và nhìn từ góc nhìn của người mà mình đang có cảm xúc tiêu cực.
- Chiếc ghế thứ ba: thân chủ sẽ hóa thân thành một người thứ ba hoàn toàn xa lạ, đứng lên và nhìn xuống tình huống của hai người.
Vì sử dụng ba chiếc ghế, nên kỹ thuật này thường được giới chuyên gia gọi tắt là “kỹ thuật ba chiếc ghế”.
Thực hiện
*** Kịch bản thực hành kỹ thuật “ba vị trí nhận thức”4
Mỗi chiếc ghế sẽ đại diện cho một vị trí nhận thức khác nhau.
Bước 1: Chiếc ghế thứ nhất – Góc nhìn của thân chủ.
(Thân chủ là chính mình)
Bạn nói với thân chủ: “Bây giờ, bạn hãy ngồi vào chiếc ghế đầu tiên. Ở chiếc ghế này, bạn nhìn nhận sự kiện từ góc nhìn của chính mình”
Bạn hỏi thân chủ những câu hỏi sau:
- “Hãy nhớ và kể cho tôi nghe về tình huống tiêu cực mà bạn gặp?”
- “Bạn tưởng tượng mình đang ở trong tình huống đó, cảm xúc tiêu cực của bạn là gì?”
- “Cảm xúc tiêu cực của bạn khoảng bao nhiêu điểm, từ 1 đến 10?”
- “Bạn còn cảm giác gì, hay quan sát gì nữa không?”
Để thân chủ nói hết những cảm xúc tiêu cực cho đến khi họ nói “Không còn gì nữa”. Lúc này, yêu cầu thân chủ rời khỏi chiếc ghế đầu tiên, rung lắc người để thay đổi trạng thái.
Nói với thân chủ: “Bạn làm tốt lắm. Bây giờ hãy đứng dậy, rung lắc cơ thể và đi lại một vòng để thay đổi trạng thái nhé!”
Bước 2: Chiếc ghế thứ hai – Góc nhìn của người đối diện
(Thân chủ hóa thân thành người họ đang có cảm xúc tiêu cực.)
Bạn nói với thân chủ: “Bây giờ, hãy chuyển sang ngồi ở chiếc ghế thứ hai. Ở chiếc ghế này, bạn đặt mình vào vị trí của người mà bạn đang có cảm xúc tiêu cực, như thể bạn là họ. Tưởng tượng cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm của họ trong tình huống này, xem điều gì là quan trọng với họ và tại sao họ hành động như vậy.”
Bạn hỏi thân chủ:
- “Hãy kể cho tôi nghe về sự kiện đó từ góc nhìn của người kia”
- “Bạn quan sát xem, mình thấy gì từ góc nhìn của họ?”
- “Họ cảm thấy thế nào?”
- “Từ góc nhìn của họ, bạn còn thấy gì nữa không?”
Để thân chủ nói hết cho đến khi họ nói “Không còn gì nữa”. Lúc này, yêu cầu thân chủ rời khỏi chiếc ghế thứ hai, rung lắc người để thay đổi trạng thái.
- Nói với thân chủ: “Bạn làm tốt lắm. Bây giờ hãy đứng dậy, bước ra khỏi chiếc ghế thứ hai, rung lắc cơ thể và đi lại một vòng để thay đổi trạng thái nhé!”
Bước 3: Chiếc ghế thứ ba – Góc nhìn khách quan
(Thân chủ hóa thân thành một người thứ ba, hoàn toàn xa lạ, đứng lên chiếc ghế và nhìn xuống tình huống của hai người.)
Bạn nói với thân chủ: “Bây giờ, bạn hãy tạm thời bước ra khỏi tình huống của mình, như thể bạn là người ngoài cuộc, đang quan sát cả hai từ một vị trí trung lập. Từ góc nhìn này, bạn có thể đánh giá một cách khách quan những gì đang diễn ra mà không bị cảm xúc hay ý kiến cá nhân chi phối. Hãy đứng lên chiếc ghế thứ ba này và quan sát chúng từ trên cao.”
Bạn hỏi thân chủ:
- “Bây giờ, bạn đã hoàn toàn không còn liên quan đến sự kiện này nữa. Vậy, bạn quan sát thấy gì trong tình huống này, giữa hai người này?”
- “Bạn còn quan sát thấy gì nữa?”
- “Bạn rút ra được bài học gì từ tình huống này?”
- “Bạn có lời khuyên gì cho người ở vị trí chiếc ghế thứ nhất, khi bạn là người quan sát trung lập, hoàn toàn tách biệt với sự kiện?”
- “Bạn còn lời khuyên gì nữa không?”
Yêu cầu thân chủ rời khỏi chiếc ghế thứ ba, rung lắc người để thay đổi trạng thái.
- Nói với thân chủ: “Bạn làm tốt lắm. Bây giờ hãy bước ra khỏi chiếc ghế thứ ba, rung lắc cơ thể và đi lại một vòng để thay đổi trạng thái nhé!”
Bước 4: Phỏng vấn và kết thúc phiên coach
Nói với thân chủ: “Bây giờ, mời bạn quay trở lại vị trí chiếc ghế đầu tiên để chia sẻ tất cả những gì bạn quan sát được từ vị trí thứ hai và thứ ba”
Hỏi thân chủ:
- “Hãy chia sẻ tất cả bài học mà bạn học được từ hai vị trí còn lại?”
- “Hành động của bạn trong tương lai là gì?”
Đánh giá lại cảm xúc của thân chủ:
- “Bây giờ, bạn còn cảm xúc tiêu cực gì với người kia không?”
- “Nếu còn, bạn cần điều gì để mình không còn cảm xúc tiêu cực với họ nữa?”
Kết thúc phiên coach và cảm ơn thân chủ.
Tổng kết
Trong bài học này, chúng ta đã tìm hiểu về cảm xúc tiêu cực là gì? Nguyên nhân của cảm xúc tiêu cực và phương pháp chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành bài học tích cực – đó là phương pháp ba vị trí nhận thức.
Trọng tâm của phương pháp ba vị trí nhận thức là ba chiếc ghế. Trong đó:
- Chiếc ghế thứ nhất: thân chủ sẽ nhìn từ góc nhìn của chính mình.
- Chiếc ghế thứ hai: thân chủ sẽ nhập vai, và nhìn từ góc nhìn của người mà mình đang có cảm xúc tiêu cực.
- Chiếc ghế thứ ba: thân chủ sẽ hóa thân thành một người thứ ba hoàn toàn xa lạ, đứng lên và nhìn xuống tình huống của hai người. Nhờ đó mà họ có thể đánh giá tình huống một cách khách quan, công bằng, bình an và trí truệ.
Ba vị trí nhận thức sẽ giúp thân chủ nhìn toàn diện vấn đề, từ đó họ có thể chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành bài học tích cực.
Để nắm vững công cụ này, bạn cần tải kịch bản ở dưới về để thực hành. Ban đầu, bạn có thể tự thực hành với ba chiếc ghế. Tức là bạn giải quyết cảm xúc tiêu cực cho chính mình. Sau đó bạn có thể coaching cho người thân, đồng nghiệp trước khi cung cấp dịch vụ coaching chuyên nghiệp cho thân chủ của mình.
Chúc bạn học tập hiệu quả!

Để tìm hiểu kỹ hơn về NLP, bạn nên tham khảo cuốn sách LÀM CHỦ PHƯƠNG PHÁP NLP TRONG COACHING – TRỊ LIỆU – CHỮA LÀNH. Sách hiện đang có bán trên TIKI. Đây là một cuốn sách viết rất kỹ về NLP, dành cho những ai đang làm nghề coaching, trị liệu/ đào tạo.
*** Một chút giới thiệu về bản thân
Mến chào bạn, cám ơn bạn đã đọc hết bài viết này. Giới thiệu với bạn, mình là Trần Đức Hưng. Hiện tại mình là chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực viết & xuất bản sách. Đồng thời, mình là tác giả của nhiều đầu sách về tâm lý ứng dụng và là NLP Master Coach của hiệp hội ABNLP (Hiệp hội NLP Hoa Kỳ).
Mình bắt đầu công việc của một chuyên gia đào tạo từ năm 2013. Đến năm 2016, mình bắt đầu tiếp cận và theo đuổi ba bộ môn là NLP, Thôi miên và Tâm lý ứng dụng.
Mình nhận thấy rằng, các bộ môn này có rất nhiều công cụ để tác động và thay đổi tiềm thức, giúp người khác tạo ra sự chuyển hóa (transfomation expert). Từ 2017 đến nay, mình đã ứng dụng NLP và thôi miên cho bản thân, dùng trong các chương trình đào tạo, và trong các phiên coaching của chính mình. Đồng thời, hỗ trợ các chuyên gia đào tạo khác chuyển hóa thân chủ bằng những công cụ tâm lý ứng dụng thông qua sách, chương trình đào tạo và cố vấn nội dung.