CÔNG THỨC THÀNH CÔNG TUYỆT ĐỈNH NLP – GIÚP NGƯỜI THỰC HÀNH THEO ĐUỔI MỤC TIÊU HIỆU QUẢ

Nhiều người thất bại khi thiết lập mục tiêu, bởi vì họ không có một công thức cụ thể để theo đuổi từ đầu cho đến khi hoàn thành. Điều này khiến họ dễ dàng bị lạc hướng, mất động lực, và cuối cùng là từ bỏ mục tiêu của mình.

Trong NLP, có một công thức giúp cho người thực hành theo đuổi mục tiêu một cách hiệu quả hơn, mang tên công thức thành công tuyệt đỉnh. 

Các nhà NLP cho rằng khi anh chị tuân thủ công thức này 100%, thì thất bại gần như là điều không thể. Công thức này được thiết kế để giúp người thực hành rõ ràng về mục tiêu, và có một lộ trình chi tiết để tiến về phía trước một cách có hệ thống.

Sau đây là các bước của công thức thành công tuyệt đỉnh, bao gồm 9 bước. 

  1. Rõ ràng về mục tiêu
  2. Làm rõ lý do và động lực
  3. Xác định mức độ tự tin với mục tiêu
  4. Phương án để tự tin với mục tiêu 
  5. Tạo ra một danh sách những việc cần làm
  6. Xếp thứ tự ưu tiên
  7. Bắt đầu từ việc nhỏ
  8. Hành động liên tục 
  9. Đánh giá và điều chỉnh 

Bây giờ, chúng ta sẽ đi vào nội dung chi tiết. Để bài học này hiệu quả, anh chị nên thực hành luôn với một mục tiêu của chính mình. Anh chị có thể tải kịch bản coaching trong phần đính kèm bên dưới bài học này để thực hành. 

Bước 1: Rõ ràng về mục tiêu

Bước 1: Rõ ràng về mục tiêu

Trong bước đầu tiên này, anh chị cần thiết lập một mục tiêu theo nguyên tắc SMART. Kiến thức về SMART khá phổ biến, nên mình sẽ nhắc lại một cách cơ bản để anh chị dễ theo dõi.

SMART là viết tắt của:

  • S – Specific: Mục tiêu phải cụ thể. Anh chị cần biết rõ mình muốn đạt được điều gì.
  • M – Measurable: Mục tiêu phải đo lường được. Anh chị cần có cách đánh giá tiến trình và kết quả.
  • A – Achievable: Mục tiêu phải có tính khả thi. 
  • R – Relevant: Mục tiêu cần phải liên quan đến những gì quan trọng với anh chị và cuộc sống của mình.
  • T – Time-bound: Mục tiêu cần có thời hạn cụ thể. Điều này sẽ giúp anh chị duy trì động lực và biết được khi nào mục tiêu cần hoàn thành.

Và để kiểm tra xem mục tiêu này đủ rõ ràng hay chưa, anh chị hãy áp dụng thêm 9 nguyên tắc của một mục tiêu khả thi trong bài học trước. 

Bước 2: Làm rõ lý do và động lực

Câu hỏi coaching quan trọng cần đặt ra là: Tại sao việc đạt mục tiêu này lại quan trọng?

Đầu tiên, hãy xem xét mục tiêu này quan trọng với anh chị như thế nào. Tại sao nó có ý nghĩa đối với cuộc sống của anh chị?

Tiếp theo, hãy tự hỏi mục tiêu này có quan trọng với gia đình không? Liệu nó sẽ giúp gia đình anh chị phát triển, ổn định hay mang lại lợi ích gì cho họ?

Sau đó, mở rộng ra, mục tiêu này có quan trọng với đội ngũ hoặc nhân viên của anh chị không? Anh chị sẽ giúp gì cho họ khi đạt được mục tiêu này?

Cuối cùng, mục tiêu này có quan trọng với xã hội, thế giới không? Anh chị có tạo ra tác động tích cực nào cho cộng đồng, môi trường hay thế giới thông qua mục tiêu này không?

Khi lý do trở nên rõ ràng – thì cách làm sẽ trở nên dễ dàng. Lý do càng mạnh mẽ, thì động lực của anh chị càng lớn và bền vững. 

Bước 3: Xác định mức độ tự tin với mục tiêu

Mức độ tự tin là điều rất quan trọng. Nó sẽ cho biết anh chị có khả năng kiên trì đến cùng hay không.

Câu hỏi coaching cần đặt ra là: Mức độ tự tin của bạn về việc đạt được mục tiêu này là bao nhiêu phần trăm?

Nhiều người thường đặt những mục tiêu rất lớn, nhưng mức độ tự tin để đạt được lại rất thấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng bỏ cuộc giữa chừng, bởi vì khi thiếu sự tự tin, anh chị sẽ không có đủ động lực để vượt qua những khó khăn.

Vậy nên, anh chị cần thẳng thắn nhìn nhận mức độ tự tin của mình ở thời điểm hiện tại. Hãy tự hỏi: Mình thực sự tự tin bao nhiêu phần trăm? Câu trả lời này cần phải thành thật, vì nếu anh chị đánh giá không chính xác, việc theo đuổi mục tiêu sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Bước 4: Phương án để tự tin với mục tiêu 

Sau khi đã xác định mức độ tự tin ở bước 3, chúng ta tiến đến bước 4: tìm ra phương án để tự tin 100% với mục tiêu.

Câu hỏi coaching quan trọng ở đây là: “Điều gì cần phải xảy ra để anh chị tự tin 100%?”

Câu hỏi này rất đơn giản nhưng cũng rất mạnh mẽ. Nó giúp anh chị suy nghĩ về những điều cần bổ sung để gia tăng sự tự tin của mình.

Ví dụ, anh chị có thể tự hỏi: Mình cần có thêm điều gì? Có thể là thêm kiến thức, kỹ năng, hoặc kinh nghiệm nào đó?

Hoặc: Mình cần có thêm nguồn lực gì? Đó có thể là sự hỗ trợ từ người khác, tài chính, hay những công cụ cụ thể giúp anh chị cảm thấy sẵn sàng hơn.

Bước này giúp anh chị lấp đầy những khoảng trống trong sự tự tin của mình, để từ đó đảm bảo rằng mình sẽ có đủ năng lượng và sự quyết tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bước 5: Tạo ra một danh sách những việc cần làm

Đây là bước chuyển mục tiêu thành hành động cụ thể.

Hãy bắt đầu bằng cách viết ra tất cả những việc anh chị nghĩ ra liên quan đến việc thực hiện mục tiêu. Đừng lo lắng về việc có sắp xếp gọn gàng hay không, điều quan trọng là anh chị có một danh sách.

Có rất nhiều phương pháp để tạo ra danh sách này, nhưng ở đây mình sẽ giới thiệu các câu hỏi coaching hữu ích:

Hãy hình dung mục tiêu đã hoàn thành tốt đẹp, tưởng tượng mình đang đứng ở thời điểm đó, đã đạt được mục tiêu rồi.

Sau đó, hình dung ngược lại từ điểm cuối, nhìn lại hành trình mình đã đi qua và hỏi: 

“Mình đã làm những gì để đạt được mục tiêu này?”

Dành khoảng 5-10 phút để ghi lại tất cả mọi việc, từ lớn đến nhỏ.

Lưu ý, đừng lo lắng nếu danh sách có vẻ lộn xộn hoặc chưa hoàn chỉnh. Anh chị không cần phải viết thật hay hoặc chính xác ngay từ đầu. Quan trọng là bắt đầu có một danh sách, và anh chị có thể bổ sung và điều chỉnh sau. 

Bước 6: Xếp thứ tự ưu tiên

Xếp thứ tự ưu tiên là một bước cực kỳ quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu. Nếu không biết ưu tiên, anh chị sẽ dễ bị lạc lối hoặc tốn thời gian vào những việc không cần thiết.

Mình sẽ hướng dẫn anh chị đánh số thứ tự ưu tiên dựa trên 2 tiêu chí chính:

Thứ nhất là tiêu chí thời gian thời gian: Có những việc cần phải làm trước, vì nó sẽ ảnh hưởng đến các bước sau. Ví dụ, nếu anh chị muốn xây dựng một trang web, thì việc mua tên miền phải làm trước khi bắt đầu thiết kế. 

Tiêu chí thứ hai là độ quan trọng và khẩn cấp:

1. Việc quan trọng và gấp thì chắc chắn phải làm ngay, không trì hoãn.

Với việc không quan trọng nhưng gấp, anh chị cần xem xét: Nó có ảnh hưởng tới các công đoạn sau không? Nếu có, thì làm. Nếu không, anh chị có thể trì hoãn. 

Sau đó đến việc quan trọng nhưng không gấp, những việc này cần được sắp xếp thời gian làm ngay sau khi đã hoàn thành việc gấp. Vì nếu trì hoãn việc này, nó sẽ tạo ra những việc gấp trong thời gian tới. 

Cuối cùng, với những việc không quan trọng và không gấp, anh chị có thể loại bỏ nếu không cần làm, hoặc nếu vẫn cần làm thì hãy làm sau cùng. 

Bước 7: Bắt đầu từ việc nhỏ

Thành công lớn luôn bắt đầu từ những việc nhỏ, vì vậy anh chị cần thực hiện ngay 3 hành động đầu tiên mà mình đã lên danh sách. Điều này giúp anh chị tránh trì hoãn và rơi vào cái bẫy của việc lập kế hoạch quá hoàn hảo mà không hành động.

Kế hoạch không hành động thì chỉ là lý thuyết, không tạo ra kết quả. Để bắt đầu dễ dàng hơn, mình khuyên anh chị mỗi hành động lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn. Sau đó anh chị hành động ngay lập tức. Những bước nhỏ giúp anh chị tiến gần hơn đến mục tiêu một cách dễ dàng. 

Bước 8: Hành động liên tục

Sau khi thực hiện 3 hành động đầu tiên ở bước 7, anh chị cần tiếp tục tiến hành các công việc khác trong danh sách. Điều quan trọng ở đây là duy trì sự liên tục, bởi vì mỗi hành động sẽ đưa anh chị tiến gần hơn đến mục tiêu.

Trong quá trình thực hiện, có thể sẽ có một số việc thành công, nhưng cũng sẽ không tránh khỏi một số việc không như ý. 

Trong NLP có một tiền đề rất hay: “Không có thất bại, chỉ có phản hồi”. Tức là, nếu kết quả không như ý, đó không phải là thất bại mà chỉ là phản hồi để giúp anh chị rút ra bài học.

Qua đó, anh chị sẽ biết rằng: “Làm thế này thì được, làm thế kia thì không ổn”. Anh chị sẽ trở nên thông thái hơn, vì mỗi lần là một bài học. 

Bước 9: Đánh giá và điều chỉnh

Sau khi đã nhận được phản hồi từ những bài học ở bước 8, anh chị chuyển sang bước 9: đánh giá kế hoạch của mình. Việc này rất quan trọng để xác định xem những gì anh chị đã làm có hiệu quả hay không.

Nếu có một việc nào đó không như ý, thì anh chị hãy thay thế nó bằng một hành động khác. Tuy nhiên, cần nhớ rằng sau khi đánh giá ở bước 9, chúng ta không thay đổi mục tiêu. 

Mục tiêu của anh chị vẫn giữ nguyên. Thay vào đó, anh chị chỉ cần điều chỉnh kế hoạch đã thiết lập ở bước số 5, tức là bổ sung danh sách những việc cần làm.

Sau khi điều chỉnh, anh chị hãy tiếp tục thực hiện từ bước 5 đến bước 8. Nếu ở bước 8, anh chị vẫn chưa đạt được mục tiêu thì hãy tiếp tục nhận phản hồi và chuyển sang bước 9 để đánh giá lại.

Từ đó, anh chị lại tiếp tục thay đổi kế hoạch ở bước 5. Vòng lặp này sẽ tiếp tục cho đến khi anh chị đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra. 

Đó là lý do tại sao công thức này được gọi là công thức thành công tuyệt đỉnh. Tức là, nếu anh chị áp dụng công thức này một cách kiên trì cho đến cùng, thì anh chị không thể thất bại. Thất bại chỉ xảy ra khi anh chị dừng bước. 

Tổng kết

Vậy là, trong bài học này, anh chị đã tìm hiểu về quy trình coaching thành công tuyệt đỉnh, gồm 9 bước quan trọng. Đây chính là quy trình biến mục tiêu trong đầu, hoặc mục tiêu trên giấy thành kế hoạch cụ thể, và thành kết quả thực tế. 

Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi sẽ trình chiếu 9 bước này trên màn hình cho anh chị tiện theo dõi.

Để học tập hiệu quả, anh chị cần tải tài liệu coaching đính kèm để có thể tự coaching cho mục tiêu của mình theo công thức thành công tuyệt đỉnh.

Điều này sẽ giúp anh chị tự tin hơn trước khi cung cấp dịch vụ coaching chuyên nghiệp cho thân chủ của anh chị. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang