QUY TRÌNH 5 BƯỚC GIÚP BẠN HỌC CÁCH THA THỨ ĐƠN GIẢN HƠN

Tha thứ là một hành động cao cả, là khả năng buông bỏ những tổn thương, oán hận và đau khổ. Đây không chỉ là một hành động đối với người khác mà còn là một món quà vô giá mà ta trao tặng chính mình. Học cách tha thứ và thực hành tha thứ giúp ta giải phóng bản thân khỏi gánh nặng của quá khứ, mở ra cánh cửa đến một tương lai tươi sáng và hạnh phúc.

Mục lục bài viết

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những nguyên tắc cơ bản để thành công trong quá trình học cách tha thứ. Bên cạnh đó, blog học thôi miên cũng sẽ chia sẻ những bài tập thực hành, coaching để giúp bạn phát triển khả năng này. Hãy cùng tìm hiểu và áp dụng những điều này để có một cuộc sống tràn đầy yêu thương và sự bình an.

Tha thứ là gì?

Giải thích định nghĩa của “tha thứ” một cách đơn giản và dễ hiểu

Tha thứ là hành động buông bỏ cảm giác oán giận, hận thù và tổn thương mà ai đó đã gây ra cho chúng ta. Khi chúng ta tha thứ, chúng ta không còn giữ lại những cảm xúc tiêu cực đó, và cho phép bản thân tiến lên phía trước với tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Tha thứ không có nghĩa là chấp nhận hoặc quên đi lỗi lầm, mà là chúng ta chọn cách không để những tổn thương đó kiểm soát cuộc sống của mình.

Tha thứ có thể áp dụng cả đối với bản thân và người làm tổn thương bạn. Bạn có thể học cách tha thứ cho bản thân và học cách tha thứ cho người khác để lòng nhẹ nhàng hơn

Tha thứ cho bản thân là khả năng đón nhận và tha thứ cho những lỗi lầm hoặc hành vi, suy nghĩ không tốt mà chúng ta đã tự gây ra cho chính bản thân chúng ta. Tha thứ cho người khác là khả năng chấp nhận, hiểu, cảm thông và giải phóng mình khỏi cảm xúc tiêu cực như oán trách, hận thù hoặc sự đau đớn mà người khác gây ra cho mình. Để từ đó, bạn học cách nuôi dưỡng lòng từ bi bên trong bạn.

“Tha thứ” không phải là “bỏ qua”, “lãng quên” hay “dung thứ”

Tha thứ là một quá trình nội tâm, nơi chúng ta buông bỏ những cảm xúc tiêu cực và oán giận. Tha thứ đòi hỏi sự nhận thức và chấp nhận tổn thương, đồng thời chọn cách không để những tổn thương đó ảnh hưởng đến chúng ta nữa.

  • Bỏ qua là hành động tạm thời không chú ý đến hoặc không để ý đến một sự việc, nhưng cảm xúc và tổn thương vẫn có thể còn đó. Bỏ qua không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
  • Lãng quên là quên đi sự việc hoặc người gây ra tổn thương. Lãng quên có thể xảy ra tự nhiên theo thời gian, nhưng không đảm bảo rằng cảm xúc tiêu cực đã được giải quyết.
  • Dung thứ là chấp nhận và chịu đựng những lỗi lầm hoặc hành vi không đúng đắn của người khác, thường vì lý do tình cảm hoặc vì mối quan hệ quan trọng. Dung thứ không nhất thiết đồng nghĩa với tha thứ, vì chúng ta có thể vẫn giữ lại cảm giác tổn thương và oán giận.

Để khái niệm trở nên dễ hiểu hơn, bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng một người bạn đã làm bạn tổn thương bằng lời nói.

  • Nếu bạn bỏ qua, bạn có thể tránh đối mặt với người bạn đó một thời gian, nhưng cảm giác buồn bã vẫn còn.
  • Nếu bạn lãng quên, có thể sau này bạn sẽ không còn nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng cảm xúc tổn thương vẫn có thể trỗi dậy khi có điều gì đó nhắc nhở bạn về chuyện cũ.
  • Nếu bạn dung thứ, bạn có thể chấp nhận lời xin lỗi của bạn mình vì bạn trân trọng mối quan hệ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã hết buồn phiền.
  • Còn khi bạn học cách tha thứ, bạn đối mặt với nỗi đau, nhận ra và chấp nhận cảm xúc của mình, sau đó chọn cách buông bỏ chúng. Bạn không để những tổn thương này ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và có thể tiếp tục mối quan hệ với tâm hồn nhẹ nhàng hơn.

Chính vì thế, tha thứ không nhất thiết phải hàn gắn mối quan hệ, nhưng nó giúp bạn giải phóng bản thân khỏi gánh nặng cảm xúc.

Ý nghĩa của việc học cách tha thứ trong cuộc sống

Lợi ích của việc tha thứ là gì?

Học cách tha thứ không chỉ giúp cho bạn buông bỏ nỗi phiền muộn, thoát khỏi vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực để an nhiên sống, nó còn mang lại nhiều lợi ích hơn thế nữa. Cụ thể, lợi ích của việc học cách tha thứ bao gồm:

Tha thứ giúp bạn giải phóng bản thân khỏi những tiêu cực trong quá khứ: 

Tha thứ cho phép bạn học cách để chữa lành những tổn thương trong quá khứ, giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng và cảm xúc tiêu cực liên quan đến quá khứ. Từ đó, quá trình tha thứ sẽ giúp bạn có được sự bình an và cảm giác thoải mái trong tâm trí. 

Học cách tha thứ giúp bạn gia tăng sự hài lòng và hạnh phúc: Khi học được cách tha thứ và thực hành thành công, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn giải phóng không gian cho những cảm xúc tích cực đến với bạn như lòng bao dung, tình yêu thương và sự nhân ái. Điều này giúp tăng sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống, làm cho tâm hồn của chúng ta cũng trở nên nhẹ nhàng và an lành hơn.

Tha thứ là “chất liệu” để tạo ra những mối quan hệ chất lượng và lành mạnh: 

Tha thứ là một yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp. Khi bạn học được cách tha thứ, bạn sẽ tạo điều kiện cho sự hòa hợp, sự thông cảm và sự thấu hiểu giữa bạn và những người trong “vòng tròn kết nối” của bạn. Điều này góp phần vào việc giúp bạn hàn gắn những mối quan hệ từng bị tổn thương trong quá khứ và tạo nên sự khăng khít với những mối quan hệ mới chất lượng, lành mạnh hơn.

Cải thiện sức khỏe thể lý: 

Nhiều công trình nghiên cứu cũng như nhiều bài viết cho thấy rằng việc học cách tha thứ sẽ giúp bạn giảm những triệu chứng như: căng thẳng, lo lắng, stress, giảm triệu chứng trầm cảm, hạ huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp cho bạn có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn. Từ đó, giúp bạn có một giấc ngủ sâu và ngon hơn.

Tạo điều kiện cho sự phát triển bản thân: 

Khi học được cách tha thứ, chúng ta giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc của quá khứ và tạo điều kiện cho sự tự thể hiện và phát triển cá nhân, bạn sẽ trở nên linh hoạt, mở rộng tầm nhìn và dễ dàng đồng cảm hơn với mọi người. Điều này giúp bạn trưởng thành hơn, giúp bạn tập trung vào những mục tiêu và hoạt động tích cực hơn, thể hiện bản thân một cách tự tin và tận hưởng cuộc sống.

Góp phần làm cân bằng cảm xúc và hài hòa tâm trí: Trong quá trình học cách tha thứ, quá trình này giúp bạn đạt được sự cân bằng và hài hòa trong tâm trí. Nó giúp bạn trút bỏ mọi gánh nặng tâm lý và giữ cho tâm trí trong trạng thái bình an và thanh thản.

Tóm lại, học cách tha thứ mang lại cho bạn nhiều lợi ích về mặt tâm lý, mối quan hệ, sức khỏe và sự phát triển cá nhân. Nó là một quá trình quan trọng để giải phóng bản thân khỏi những muộn phiền để tạo điều kiện cho sự hòa hợp và an nhiên tâm trí.

Điều gì sẽ xảy ra khi tôi không thể học cách tha thứ cho bản thân hoặc cho người khác?

Việc giữ trong mình những tiêu cực, hận thù, đau buồn không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của bạn, mà nó còn có những tác động tiêu cực đáng kể đến cuộc sống và những mối quan hệ cá nhân của bạn nữa. 

  • Căng thẳng và áp lực tâm lý: những tổn thương, nỗi đau kia sẽ là nguồn cơn gây nên những căng thẳng, mệt mỏi và áp lực tâm lý cho bạn. Mỗi khi nghĩ về những đớn đau, phiền muộn, chắc hẳn lúc ấy tâm trí bạn lại trở nên sầu bi, suy sụp và có thể sẽ bị tổn thương thêm một lần nữa.
  • Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: Việc không buông bỏ, tha thứ được cũng sẽ khiến bạn trở nên dễ cáu gắt, lo lắng, stress. Điều này sẽ dễ dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch, lo âu, trầm cảm, mất ngủ,…
  • Mối quan hệ bị tổn thương hoặc đổ vỡ: Việc không thể tha thứ có thể tạo ra căng thẳng và xung đột trong mối quan hệ với người mà bạn không tha thứ. Điều này có thể dẫn đến sự mất mát, cảm giác cô đơn và khó khăn trong việc tái thiết hoặc duy trì mối quan hệ. Ngoài ra, nó còn khiến cho bạn và mối quan hệ kia cùng nhau tái tạo lại sự tổn thương tinh thần cho nhau. Sự oán trách và hận thù không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm gia tăng sự xung đột và gây thêm tổn thương cho cả hai bên mà thôi.
  • Gánh nặng tâm lý và suy giảm chất lượng cuộc sống: Không thể tha thứ có thể tạo ra một gánh nặng tâm lý lớn, nó khiến bạn dành quá nhiều thời gian và năng lượng suy nghĩ về những sự tổn thương, mất mát và sự tức giận. Điều này gây ra sự suy giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tiêu cực đến sự nhạy bén trong tư duy, suy nghĩ và mối quan hệ cá nhân. Không chỉ thế, nó khiến bạn bỏ lỡ cơ hội để tiến xa hơn và trải nghiệm sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Rõ ràng, việc giữ mối hận thù có những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tinh thần, quan hệ cá nhân và cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc học cách tha thứ là cả một quá trình dài và phụ thuộc vào quyết định cá nhân của bạn có muốn tha thứ hay không. 

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc học cách tha thứ, hãy tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, hoặc chuyên gia tâm lý để giúp bạn giải phóng bản thân, đạt được sự tự do tinh thần, giảm căng thẳng, cải thiện trạng thái tâm lý, xây dựng quan hệ tốt hơn bằng việc học cách tha thứ cho bản thân hoặc cho ai đó.

Nếu người tôi muốn tha thứ không thay đổi thì sao?

Nếu tôi tha thứ cho người kia mà không thấy sự thay đổi ở họ, điều đó có thể gây thắc mắc và khiến bạn đặt ra câu hỏi: “Nếu người tôi tha thứ không thay đổi thì sao?” Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng mục đích của việc tha thứ không phải là để buộc người khác thay đổi. Thực tế, nó liên quan đến việc tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát trong hiện tại. 

Hãy nghĩ về sự tha thứ nhiều hơn về cách nó có thể thay đổi cuộc sống của bạn bằng cách mang lại cho bạn sự bình yên, hạnh phúc cũng như sự chữa lành về cảm xúc và tinh thần.

Tha thứ là một hành động mạnh mẽ và dũng cảm. Nó cho phép bạn thể hiện lòng rộng lượng, sự tự do và sự kiểm soát về cảm xúc và tinh thần. Bằng cách tha thứ, bạn không chỉ mở rộng lòng nhân ái và lòng trắc ẩn, mà còn tạo điều kiện để bạn tiếp tục điều hướng cuộc sống của mình theo hướng tích cực và đạt được sự tự do trong tâm trí và một trái tim đầy sự bao dung, rộng lượng.

Do đó, dù người bạn muốn tha thứ có thay đổi hay không, việc tha thứ vẫn mang lại lợi ích cho bản thân bạn, cho phép bạn sống một cuộc sống tự do và tràn đầy hạnh phúc.

5 bước giúp bạn học cách tha thứ hiệu quả hơn

Học cách tha thứ không phải là điều dễ dàng, nhưng mình nghĩ nó là điều cần thiết để chúng ta có thể sống hạnh phúc và bình an hơn. Dưới đây là năm bước giúp bạn học cách tha thứ một cách hiệu quả:

Bước 1: Thực hành sự đồng cảm

Mọi người đều có khả năng mắc sai lầm và gây tổn thương, kể cả chính chúng ta. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và động cơ đằng sau hành vi của họ. Bạn hãy tưởng tượng hoàn cảnh có thể khiến họ cư xử như vậy, từ đó cảm thông và đồng cảm hơn với họ.

Bước 2: Lắng nghe và trao đổi

Một trong những cách hiệu quả nhất để hiểu rõ tình huống là lắng nghe chân thành. Hãy mở lòng lắng nghe câu chuyện của người khác mà không phán xét, và thảo luận một cách xây dựng để tìm kiếm giải pháp hàn gắn mối quan hệ. Qua việc lắng nghe và trao đổi, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những cảm xúc và suy nghĩ của họ, từ đó dễ dàng tha thứ hơn.

Bước 3: Giải phóng cảm xúc tiêu cực

Hãy thử nghe những bản nhạc thiền bình an hoặc bài giảng về sự tha thứ để giải tỏa căng thẳng. Suy ngẫm về những lần bạn được người khác tha thứ sẽ giúp bạn cảm nhận sự nhẹ nhõm. Trên kênh YouTube, mình có bản audio “Thiền học cách tha thứ” giúp bạn giải tỏa âu lo và tìm được sự bình an trong hiện tại.

Mời bạn nhấp chuột vào liên kết để nghe trực tiếp trên kênh Youtube và trải nghiệm một buổi thiền tha thứ đầy sự thư giãn và chữa lành tâm hồn. Hãy dành thời gian cho bản thân, lắng nghe những lời hướng dẫn và để cho những âm thanh êm dịu của bài thiền đưa bạn đến với trạng thái tĩnh lặng và sự thanh thản.

Hãy cho phép giọng đọc của bài thiền tha thứ đi sâu vào tâm hồn và cho bạn những trải nghiệm độc đáo về sự giải phóng và hạnh phúc. Hãy tận hưởng và khám phá sự thay đổi mà nó mang lại cho cuộc sống của bạn. 

Bước 4: Viết thư hoặc ghi lại cảm xúc

Viết một lá thư diễn tả chân thành cảm xúc, suy nghĩ và ý muốn tha thứ của bạn với người đó. Dù lá thư này có được gửi đi hay không, quá trình viết thư giúp bạn tập trung vào quá trình tha thứ và giải tỏa cảm xúc tiêu cực của chính mình. Viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình là cách tốt để bạn hiểu rõ hơn về bản thân và cảm nhận được lòng tha thứ.

Bước 5: Thay đổi góc nhìn

Hãy thử nhìn nhận tình huống từ góc nhìn khác. Đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở như:

“Tôi nhận được lợi ích gì khi tha thứ cho người kia?”, “Tôi có thể học được bài học gì từ sự kiện này?”, “Điều này có gì tốt cho tôi không?”, “Có phải Vũ Trụ đang gửi thông điệp gì đó đến cho tôi để tôi phải học nó hay không?”, “Nếu tôi là họ, tại sao tôi lại cư xử và hành động như thế, có điều gì tốt đẹp và ý nghĩa ở sự kiện này không?”… Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ lợi ích và giá trị của việc thực hành tha thứ.

Tha thứ không phải là một quá trình nhanh chóng và dễ dàng. Điều này đòi hỏi thời gian, kiên nhẫn và sự cống hiến để phát triển khả năng tha thứ của bạn. Học cách tha thứ là một quá trình liên tục và không hoàn hảo. Mỗi người có cách riêng để tiếp cận và áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống của mình.

Ngoài những bước mà mình chia sẻ ở trên, bạn cũng hãy thử hướng tới lòng từ bi và yêu thương bản thân cũng như người khác. Thực hành thiền và cầu nguyện để nuôi dưỡng lòng từ bi, thực hành sự tử tế và đặt mình vào vị trí của người khác để tạo điều kiện cho việc tha thứ diễn ra suôn sẻ.

Tìm hiểu thêm: Thực hành THIỀN BIẾT ƠN mỗi ngày để thịnh vượng, hạnh phúc, bình an

Bài Tập và Câu Hỏi Coaching Giúp Bạn Học Cách Tha Thứ Tốt Hơn

Để cho quá trình học cách tha thứ của bạn trở nên dễ dàng, đơn giản hơn thì mình cũng muốn chia sẻ với bạn 5 bài tập thực hành và một vài câu hỏi coaching để bạn sử dụng chúng trong việc thúc đẩy quá trình thực hành tha thứ hiệu quả hơn, từ đó mang lại sự chữa lành và tự do cho bạn.

Bài Tập 1: Viết Thư Tha Thứ

  • Hướng dẫn: Dành ra một khoảng thời gian yên tĩnh, viết một lá thư cho người bạn muốn tha thứ. Diễn tả chân thành cảm xúc, suy nghĩ và ý muốn tha thứ của bạn. Đừng lo lắng về việc gửi lá thư này đi hay không; mục tiêu là giúp bạn tập trung vào quá trình tha thứ và giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
  • Lợi ích: Viết thư là cách tốt để bạn hiểu rõ hơn về bản thân và cảm nhận được lòng tha thứ. Nó giúp bạn giải phóng những cảm xúc tiêu cực và xây dựng lòng khoan dung.

Bài Tập 2: Lắng Nghe Sâu Sắc

  • Hướng dẫn: Tìm một người mà bạn cảm thấy khó tha thứ và dành thời gian lắng nghe câu chuyện của họ mà không phán xét. Hãy chú ý đến cảm xúc và suy nghĩ của họ, và cố gắng hiểu lý do đằng sau hành vi của họ.
  • Lợi ích: Lắng nghe chân thành giúp bạn hiểu rõ hơn về người khác và tình huống, từ đó dễ dàng tha thứ hơn.

Bài Tập 3: Thiền Tha Thứ

  • Hướng dẫn: Hằng ngày, dành ra 10-15 phút để thiền về lòng tha thứ. Bạn có thể nghe những bản nhạc thiền hoặc audio hướng dẫn thiền tha thứ. Tập trung vào việc thả lỏng cơ thể và tâm trí, tưởng tượng bạn đang tha thứ cho người mà bạn cảm thấy khó khăn.
  • Lợi ích: Thiền tha thứ giúp bạn giảm căng thẳng, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và gia tăng bình an nội tâm.

Bài Tập 4: Ghi Chép Nhật Ký

  • Hướng dẫn: Mỗi ngày, ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của bạn liên quan đến sự tha thứ. Viết về những lần bạn được tha thứ và cảm giác của bạn khi đó.
  • Lợi ích: Ghi chép nhật ký giúp bạn theo dõi tiến trình của mình, nhận thức rõ hơn về cảm xúc và động lực bên trong, từ đó thúc đẩy quá trình tha thứ diễn ra nhanh hơn

Bài Tập 5: Tập Trung Vào Lòng Từ Bi và Yêu Thương

  • Hướng dẫn: Thực hành lòng từ bi và tự yêu thương hàng ngày. Dành thời gian cho các hoạt động như thiền, cầu nguyện, hoặc viết về những điều bạn yêu thương, biết ơn về bản thân và người khác mỗi ngày.
  • Lợi ích: Nuôi dưỡng lòng từ bi và yêu thương giúp bạn dễ dàng tha thứ hơn, tạo điều kiện cho sự bình an và hạnh phúc.

10 Câu Hỏi Coaching

  1. Tôi nhận được lợi ích gì khi tha thứ cho người kia?
  2. Tôi có thể học được bài học gì từ sự kiện này?
  3. Điều này có gì tốt cho tôi không?
  4. Có phải Vũ Trụ đang gửi thông điệp gì đó đến cho tôi để tôi phải học nó hay không?
  5. Nếu tôi là họ, tại sao tôi lại cư xử và hành động như thế, có điều gì tốt đẹp và ý nghĩa ở sự kiện này không?
  6. Tôi cảm thấy như thế nào khi nghĩ về việc tha thứ?
  7. Điều gì ngăn cản tôi tha thứ và làm thế nào để vượt qua rào cản đó?
  8. Tha thứ sẽ giúp tôi giải phóng những cảm xúc tiêu cực nào?
  9. Làm thế nào để tôi thực hành lòng từ bi và tự yêu thương nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày?
  10. Tôi có thể làm gì ngay bây giờ để bắt đầu quá trình tha thứ?

Bằng cách thực hành những bài tập và trả lời các câu hỏi coaching trên, bạn sẽ từng bước tiến gần hơn đến sự tha thứ, giải phóng bản thân khỏi gánh nặng tâm lý và tìm thấy sự bình an nội tâm. Hãy nhớ rằng, tha thứ là một hành trình liên tục và mỗi người có cách riêng để tiếp cận và áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống của mình.

V. Kết luận

Học cách tha thứ là một quá trình quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Đó là khả năng chấp nhận, tha lỗi và giải thoát mình khỏi sự tổn thương và hận thù. Việc học cách tha thứ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và quan hệ cá nhân.

Khi biết tha thứ, bạn sẽ tạo ra một không gian bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn, làm giảm căng thẳng và xây dựng lại quan hệ tốt hơn với người khác.

Trên hết, học cách tha thứ mang đến cho chúng ta sự giải phóng và chữa lành tâm hồn, cho phép bạn tiến xa hơn trong cuộc sống và xây dựng những mối quan hệ mạnh mẽ và tràn đầy yêu thương. Hãy đặt sự tha thứ làm mục tiêu và trải nghiệm sự tự do và sự hòa hợp mà nó mang lại.

Mến chúc bạn thành công trên hành trình học cách tha thứ cho bản thân và cho người khác.

Trần Đức Hưng

  • Tác giả blog Học thôi miên
  • Chuyên gia thôi miên được cấp chứng nhận từ ABH (Hiệp hội thôi miên Hoa Kỳ)
  • Tác giả sách, nhà đào tạo, cố vấn xây dựng thương hiệu chuyên sâu bằng sách và chương trình đào tạo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang