Mô hình truyền thông NLP – Làm chủ nghệ thuật giao tiếp với 6 bước đơn giản

Mô hình truyền thông NLP giúp bạn hiểu cách mọi người đang tư duy, suy nghĩ và tiếp nhận thông tin. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh thông điệp để phù hợp hơn với trạng thái tâm lý và bộ lọc của người nghe, từ đó nâng cao hiệu quả giao tiếp.

Có khi nào bạn từng nghĩ/ từng nghe những câu nói dạng như:

  • Tại sao mình nói mãi mà người ấy không nghe, người ấy chẳng hiểu mình gì cả?
  • Sao mình nói thế này mà họ lại hiểu ra thế khác nhỉ? 
  • Tất cả phụ nữ đều thích “đào mỏ”; Tất cả đàn ông đều phụ bạc…

Có thể bạn đã đổ lỗi do đối phương chưa hiểu được mình, nhưng không phải. Ở đây không ai có lỗi, không ai sai cả. Chẳng qua là do bạn chưa hiểu về cách tiếp nhận thông tin của tâm trí và não bộ. Khi bạn hiểu mô hình truyền thông NLP, chắc chắn bạn sẽ truyền thông và giao tiếp hiệu quả hơn với mọi người xung quanh.

Mô hình truyền thông NLP là gì?

Mô hình truyền thông NLP1 (tiếng Anh là NLP Communication Model) là cách chúng ta xử lý thông tin từ thế giới bên ngoài thông qua các giác quan và biến chúng thành suy nghĩ, cảm xúc và hành vi.

Mô hình truyền thông NLP giải thích rằng mỗi người có một “bộ lọc” riêng, bao gồm: niềm tin, giá trị, kinh nghiệm, và trạng thái tâm lý, … ảnh hưởng đến cách họ diễn giải thông tin và đưa ra phản ứng. Nói một cách dễ hiểu hơn, mô hình truyền thông NLP giúp giải thích tại sao mỗi người có thể có phản ứng khác nhau với cùng một sự kiện.

Để làm rõ điều này, mình chia sẻ đến bạn hai ví dụ cụ thể:

Ví dụ về hai cô gái cùng nhìn thấy một người đàn ông:

  • Cô gái 1: Khi nhìn thấy một người đàn ông đầy sức hút, có thể cảm thấy khó chịu và có xu hướng muốn tránh xa vì từng bị phản bội trong tình yêu vài lần ở quá khứ. Ký ức tổn thương mà chàng trai trước khiến cô gái này nhìn nhận và phản ứng với đàn ông theo một cách khó chịu. Có khi, trong đầu cô ấy từng nghĩ: “Đàn ông luôn là kẻ phụ tình. Chỉ có phụ nữ mới đem lại hạnh phúc cho nhau”.
  • Cô gái 2: Khi nhìn thấy người đàn ông kia, có thể cảm thấy phấn khích, thích thú và muốn khao khát được làm quen hoặc muốn lại gần để giao tiếp, bắt chuyện. Do cô không hề có bất cứ ký ức tiêu cực nào với đàn ông và có thể thường được người khác phái giúp đỡ tận tình trong cuộc sống nên sẽ có phản ứng trái ngược với cô gái 1.

Ví dụ về trái thanh long

  • Anh A: Khi nhìn thấy một đĩa thanh long, cảm thấy buồn nôn khi phải ăn thực phẩm này. Nguyên nhân có thể là vì trong quá khứ đã từng bị ép ăn đến mức nôn ói. Những trải nghiệm ấy tạo thành một ký ức tiêu cực ở trong tiềm thức của anh A. Và cấu thành niềm tin cho anh A rằng đĩa thanh long/đĩa rau bông cải xanh kia là thực phẩm tệ và không tốt cho sức khỏe của anh. Và anh quyết định không ăn.
  • Chị B: Khi nhìn thấy một đĩa thanh long, cảm thấy rất thích và chọn ăn thực phẩm này một cách hạnh phúc. Nguyên nhân là vì chị B có trải nghiệm tốt, tích cực với thanh long vì từ nhỏ được cho ăn thanh long, chị cũng cảm thấy thích thú khi nếm vị của trái thanh long. Hình thành nên sở thích ăn thanh long của chị B.

Bây giờ, mời bạn nhìn vào sơ đồ mô hình truyền thông NLP

Mô hình truyền thông NLPNguồn: ABNLP
Mô hình truyền thông NLP (ảnh 2)Nguồn: hocthoimien.com

Mình có giải nghĩa ảnh bằng tiếng Việt (ảnh 2) để bạn dễ hiểu, dễ hình dung hơn về mô hình này.

Hãy giả định rằng những gì bên ngoài khuôn mặt là những thông tin, sự kiện xảy ra, tác động lên chúng ta. Bên trong khôn mặt chính là những gì xảy ra ở trong đầu chúng ta.

– Quan sát hình vẽ trên, bạn có thể thấy: con người chúng ta tiếp nhận thông tin bằng 5 giác quan (nghe-nhìn-ngửi-cảm-nếm). Trong NLP, những giác quan này được gọi là những hệ thống biểu hiện. Lượng thông tin và mà các giác quan của ta có thể tiếp nhận là khoảng 2 triệu bit thông tin mỗi giây (2tr bit/s). (Xem nghiên cứu The Magic Number 7 và cuốn sách Flow: The Psychology of Optimal Experience).

– Tuy nhiên não bộ của chúng ta KHÔNG THỂ tiếp nhận được một lượng thông tin khổng lồ như vậy. Vì thế, Bộ não chúng ta có 3 phễu lọc chính là: Xóa bỏ, Bóp méo và khái quát hóa. Ba phễu này hầu hết là do tiềm thức tự động vận hành.

Phễu lọc 1: Xóa bỏ/Xóa bớt/Loại bỏ (Delete)

Xóa bớt/Xóa bỏ (Delete) là quá trình chúng ta loại bỏ những thông tin không quan trọng hoặc không cần thiết để tập trung vào những gì cần thiết hơn. Đây là một cơ chế hoạt động của não bộ. Nó không mang hàm nghĩa tốt hay xấu.

Phễu lọc này giải thích tại sao mỗi chúng ta chỉ tập trung vào điều mình thích và mình quan tâm. Việc xóa bớt giúp chúng ta duy trì sự tập trung và hiệu quả trong các hoạt động hàng ngày. 

Mình đưa ra 3 ví dụ điển hình cơ chế “xóa bớt” trong mô hình truyền thông NLP, để bạn dễ hiểu:

  1. Khi bạn lái xe trên một tuyến đường mà bạn đã đi nhiều lần, bạn có thể không để ý đến những chi tiết nhỏ như biển quảng cáo mới hoặc màu sắc của các ngôi nhà ven đường. Tâm trí của bạn “xóa bớt” những thông tin không quan trọng này, giúp bạn tập trung vào việc lái xe an toàn. Khi đến nơi, bạn có thể không nhớ gì về những chi tiết đã lướt qua.
  2. Khi bạn nói chuyện với một người bạn trong quán cà phê đông người, bạn có thể “xóa bớt” âm thanh của những cuộc trò chuyện xung quanh để tập trung vào người bạn của mình. Sau cuộc trò chuyện, nếu được hỏi về những người ngồi xung quanh, có thể bạn sẽ không nhớ họ đã nói gì, hoặc thậm chí không nhận ra họ có mặt ở đó.
  3. Khi bạn đi mua sắm ở siêu thị với danh sách đã chuẩn bị trước, bạn có thể “xóa bớt” những sản phẩm không liên quan đến danh sách của mình. Bạn chỉ tập trung vào các sản phẩm cần mua, thậm chí không nhận thấy sự có mặt của những mặt hàng khác trên kệ. Khi về nhà, bạn có thể không nhớ đã thấy những mặt hàng khác tại siêu thị.

Phễu lọc 2: Bóp méo (Distort)

Bóp méo (Distort) trong mô hình truyền thông NLP là quá trình mà chúng ta thay đổi hoặc điều chỉnh thông tin nhận được để phù hợp với niềm tin, quan điểm hoặc kinh nghiệm cá nhân. Tất cả chúng ta đều bóp méo những thông tin mà chúng ta nhận được. Đây là một cơ chế hoạt động của bộ não. Điều này không tốt, cũng không hoàn toàn xấu. Nhưng chúng có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch về thực tế.

Mình đưa ra 3 ví dụ điển hình cơ chế “Bóp méo” trong mô hình truyền thông NLP, để bạn dễ hiểu:

  1. Giả sử bạn đã từng có một cuộc tranh cãi căng thẳng với đồng nghiệp về một dự án. Sau đó, mỗi khi nhận email hoặc tin nhắn từ đồng nghiệp đó, bạn có thể bóp méo ý nghĩa của lời lẽ trong thư, cho rằng họ đang chỉ trích hoặc không hợp tác, dù nội dung thực tế có thể hoàn toàn trung lập hoặc tích cực.
  2. Bạn tưởng tượng rằng: “Chắc có cuộc gọi hay tin nhắn nào đó gửi cho mình” khi đang trong phòng tắm. (Mặc dù không có cuộc gọi hay tin nhắn nào gửi đến)
  3. Bạn từng bị một con chó cắn trong quá khứ, bạn có thể bóp méo thông tin và tin rằng tất cả các con chó đều nguy hiểm, dù thực tế không phải con chó nào cũng như vậy. 

Bóp méo giúp con người xử lý thông tin theo cách phù hợp với trải nghiệm cá nhân, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta rơi vào cái bẫy của những định kiến và nhận thức sai lầm, khiến chúng ta không thấy rõ được thực tế xung quanh mình.

Phễu lọc 3: Khái quát hóa (Generalize)

Khái quát hóa (Generalize) trong mô hình truyền thông NLP là quá trình mà chúng ta áp dụng một nhận định chung cho toàn bộ nhóm sự vật, hiện tượng dựa trên những trải nghiệm cá nhân hoặc quan điểm của mình. Điều này thường dẫn đến việc phán xét không chính xác và bỏ qua sự khác biệt cá nhân.

Đôi lúc, Khái quát hóa cũng có lợi trong việc học tập và phát triển bản thân.

Mình đưa ra 5 ví dụ điển hình cơ chế “Khái quát hóa” trong mô hình truyền thông NLP, để bạn dễ hiểu:

  1. Sau khi đã từng chơi với một vài con chó đáng yêu, bạn có thể khái quát hóa rằng “Tất cả các chú chó đều rất đáng yêu”. Khái quát hóa này khiến bạn có cái nhìn tích cực về loài chó. Mặc dù không phải con chó nào cũng đáng yêu.
  2. “Tôi có khả năng học được tiếng Anh dễ dàng thì tôi cũng có khả năng học ngôn ngữ thứ ba tốt.”
  3. Một học sinh từng gặp khó khăn với môn Toán khi còn nhỏ. Sau đó, em khái quát hóa rằng “Mình kém tất cả các môn học liên quan đến số học hoặc khoa học”, mặc dù em có thể học tốt các môn này nếu được hỗ trợ đúng cách. Niềm tin này có thể khiến em mất tự tin và tránh những lĩnh vực mà em có tiềm năng phát triển.
  4. Một người phụ nữ – đã từng ly hôn và bị một, hai người đàn ông phản bội trong hôn nhân – Ấy thế là cô ấy nghĩ rằng “Tất cả đàn ông trên thế giới này đều không tốt và cư xử tệ bạc với phụ nữ”.
  5. “Tôi từng nói trước đám đông một lần và bị cười chê. Tôi thấy mình tự ti. Tôi tin mình không có khả năng nói trước đám đông”

Các phễu lọc phụ

Các phễu lọc phụ là cơ sở để hình thành nên các phễu lọc chính gồm có: không gian, thời gian, năng lượng, vấn đề, quyết định, ký ức, trải nghiệm, niềm tin và giá trị, ngôn ngữ, thái độ… Các phễu lọc này sẽ được giải thích và cách ứng dụng rõ ràng, cụ thể hơn trong chương trình NLP Practitioner nguyên chủng do các NLP Trainer (bạn sẽ học từ NLP Trainer đời đầu tại Việt Nam) tổ chức đào tạo & cấp chứng nhận quốc tế (ABNLP2). Nếu cần thông tin khóa học này, hãy liên hệ Blog.

Bạn cũng có thể tham khảo cuốn sách LÀM CHỦ PHƯƠNG PHÁP NLP TRONG COACHING – TRỊ LIỆU – CHỮA LÀNH. Hiện sách đang bán trên Tiki. Link Ở ĐÂY

PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NLP VÀ KHOA HỌC THẦN KINH

  • Chương 1: Giới thiệu NLP trong coaching, trị liệu & chữa lành
  • Chương 2: Hiểu về ý thức và tiềm thức trong coaching, trị liệu & chữa lành 
  • Chương 3: Mô hình truyền thông của con người

PHẦN 2: TƯ DUY NỀN TẢNG ĐỂ SỬ DỤNG NLP TRONG COACHING – TRỊ LIỆU – CHỮA LÀNH

  • Chương 4: Tiền đề NLP trong coaching, trị liệu & chữa lành 
  • Chương 5: Nhận thức là sự phóng chiếu
  • Chương 6: Vùng nguyên nhân – Vùng hậu quả
  • Chương 7: Năm đám mây ngăn cản con người đạt được điều họ muốn
  • Chương 8: Các cấp độ logic trong nhận thức và tư duy
Lớp NLP Train The Trainer đầu tiên tổ chức tại Việt Nam – Nguồn ảnh: Ts Quách Tuấn Khanh

Sau đi qua tất cả những phễu lọc, não bộ chỉ còn tiếp nhận được 134Bit/s và hình thành nên suy nghĩ (phiên dịch bên trong bộ não của con người). Sau đó, suy nghĩ và thể lý tác động qua lại lẫn nhau. Suy nghĩ tạo ra cảm xúc. Thể lý cũng tác động đến trạng thái cảm xúc. Cuối cùng, cảm xúc sinh ra hành động. (diễn giải ảnh 2)

Ứng dụng mô hình truyền thông NLP để cải thiện giao tiếp

Mô hình truyền thông của NLP (NLP Communication Model) là một công cụ mạnh mẽ giúp cải thiện giao tiếp bằng cách hiểu rõ hơn về cách chúng ta xử lý thông tin và phản hồi. Để áp dụng mô hình này nhằm giao tiếp hiệu quả hơn, bạn hãy làm theo các bước cơ bản sau:

1. Hiểu về cách tiếp nhận thông tin

  • Chúng ta tiếp nhận thông tin qua các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác). NLP gọi đây là hệ thống biểu diễn giác quan (Representational Systems). Mỗi người có xu hướng ưu tiên một hoặc một vài hệ thống này trong giao tiếp. Mình sẽ có bài viết về V_A_K_Ad để diễn giải hơn về chủ đề này.
  • Ứng dụng: Khi giao tiếp, hãy chú ý đến các từ ngữ mà người khác sử dụng. Nếu họ dùng nhiều từ liên quan đến thị giác (như “tôi thấy”), thính giác (như “tôi nghe thấy”), hoặc xúc giác (như “tôi cảm nhận”), bạn có thể điều chỉnh ngôn ngữ của mình để phù hợp hơn với cách họ tiếp nhận thông tin. Hoặc, nếu bạn biết người nghe thích tiếp nhận thông tin trực quan, hãy sử dụng hình ảnh hoặc ví dụ cụ thể. Còn nếu họ thích phân tích, hãy cung cấp thêm số liệu và lập luận logic.

2. Hiểu & tôn trọng bộ lọc cá nhân

  • Mỗi người có các bộ lọc cá nhân như: niềm tin, giá trị, trải nghiệm, và trạng thái tâm trí hiện tại. Những bộ lọc này ảnh hưởng đến cách họ hiểu và phản ứng với thông tin.
  • Ứng dụng: Nhận ra rằng phản ứng của người khác không phải lúc nào cũng phản ánh ý định thực sự của họ mà có thể bị ảnh hưởng bởi bộ lọc cá nhân. Để giao tiếp hiệu quả hơn, hãy đặt mình vào vị trí của họ và cố gắng hiểu rõ hơn về bộ lọc cá nhân của họ bằng cách chú ý đến những tín hiệu từ ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, và phản ứng của họ.

3. Quá trình mã hóa và giải mã thông tin

  • Khi chúng ta muốn truyền đạt một thông điệp, chúng ta nên chọn các từ ngữ, giọng điệu, và ngôn ngữ cơ thể sao cho phù hợp để truyền tải thông điệp đó.
  • Người nghe sẽ giải mã thông điệp này dựa trên hệ thống biểu diễn giác quan và bộ lọc cá nhân của họ.
  • Ứng dụng: Hãy chú ý đến việc nói và biểu diễn thông điệp của mình sao cho phù hợp với người nghe. Đồng thời, cố gắng giải mã thông điệp từ người khác một cách cởi mở và không thành kiến.

4. Phản hồi thẳng thắn – Không “đoán mò”

  • Một phần quan trọng của giao tiếp hiệu quả là nhận phản hồi từ người nghe. Điều này giúp bạn biết liệu thông điệp của mình có được hiểu đúng hay không.
  • Ứng dụng: Bạn hãy thường xuyên kiểm tra và yêu cầu phản hồi từ người khác để điều chỉnh cách giao tiếp của bạn nếu cần. Điều này bao gồm việc: hỏi lại trực tiếp, lặp lại thông điệp, hoặc điều chỉnh cách truyền đạt.

5. Xây dựng sự kết nối (Rapport)

  • Rapport là sự hòa hợp và tin tưởng lẫn nhau trong giao tiếp. Trong NLP, xây dựng sự kết nối (build rapport) là yếu tố then chốt để giao tiếp thành công.
  • Ứng dụng: Hãy chú ý đến việc xây dựng sự kết nối qua cách bạn nói chuyện, cách bạn thể hiện sự quan tâm đến người đối diện, và bằng cách lắng nghe một cách chân thành.

6. Sử dụng ngôn từ tích cực & cách thể hiện tích cực

  • Ngôn ngữ bạn sử dụng trong giao tiếp nên tích cực và mang tính khẳng định để thúc đẩy sự tin tưởng và động lực.
  • Ứng dụng: Tránh sử dụng từ ngữ phủ định hoặc mang tính tiêu cực. Thay vào đó, hãy chuyển sang cách nói tích cực, chẳng hạn như thay vì nói “đừng lo lắng”, bạn có thể nói “hãy cảm thấy thoải mái”. Hoặc, thay vì nói “Coi chừng té”, hãy dùng ngôn ngữ tích cực như “Hãy cẩn thận”. Tiềm thức của họ sẽ tập trung vào hành động “cẩn thận” mà bạn mong muốn.

Bằng cách áp dụng mô hình truyền thông NLP, bạn có thể giao tiếp một cách linh hoạt, hiệu quả và đồng cảm hơn, giúp cải thiện không chỉ chất lượng giao tiếp mà còn xây dựng mối quan hệ tốt hơn với mọi người xung quanh.

Tổng kết

Vậy là trong bài viết này, Blog học thôi miên đã giúp bạn hiểu tường tận về mô hình truyền thông NLP và cách áp dụng để cải thiện chất lượng giao tiếp. Kiến thức chính yếu của mô hình truyền thông NLP là, tâm trí con người với các phễu lọc: 

  1. Xóa bỏ
  2. Bóp méo
  3. Khái quát hóa
  4. Và các phễu lọc phụ

Vì phễu lọc của mỗi người khác nhau, nên cách tiếp nhận thông tin và cách hiểu về một vấn đề của mỗi người khác nhau. 

Hiểu được mô hình truyền thông NLP, bạn sẽ biết cách đón nhận sự khác biệt trong tư duy và cách nhìn nhận vấn đề của người khác, từ đó giao tiếp và dẫn dắt cuộc trò chuyện một cách hiệu quả hơn. 

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết này. Chúc bạn áp dụng mô hình truyền thông NLP và giao tiếp thành công.

Trần Đức Hưng

Sáng lập Blog Học thôi miênChuyên trang kiến thức về thôi miên – tâm lý & NLP

  1. https://www.nlpcoaching.com/nlp-a-model-of-communication-and-personality/ ↩︎
  2. https://abh-abnlp.com/ ↩︎

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang