Giới thiệu
Khi bạn nghĩ về thôi miên, có lẽ hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn là một ảo thuật gia đang làm cho người tham gia gục xuống, mất kiểm soát, biến thành con gà, con cừu… hoặc những bộ phim trong đó có nhân vật có quyền năng thôi miên và kiểm soát người khác.
Tuy nhiên, thôi miên thực sự là một lĩnh vực hoàn toàn khác với những gì bên trên. Nó là một công cụ mạnh mẽ để khám phá và tác động tiềm thức, cài đặt tiềm thức theo ý muốn và nắm quyền năng thay đổi cuộc sống.

Tất nhiên, đây chỉ là một cách nói bóng gió, xin đừng hiểu thôi miên là một khả năng gì đó mà chỉ có thiểu số có quyền năng mới thực hiện được. Thôi miên là một khoa học đang ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn để ứng dụng vào cuộc sống.
Từ những kinh nghiệm trong lĩnh vực này và với quá trình nghiên cứu, mình sẽ dẫn dắt bạn qua một hành trình để hiểu tường tận về thôi miên. Mình viết bài này với mong muốn giúp bạn có cái nhìn toàn diện về khái niệm thôi miên là gì cũng như cách nó hoạt động, các loại thôi miên và những lợi ích mà nó có thể mang lại cho công việc và đời sống của bạn.
*** Nếu thật sự hứng thú với việc tìm hiểu cặn kẽ về thôi miên và cách ứng dụng chúng vào cuộc sống, cẩm nang thực hành 21 ngày làm chủ nghệ thuật thôi miên có thể là một tài liệu vô cùng hữu ích đối với bạn
Table of Contents
Thôi miên là gì?
Để trả lời cho câu hỏi “thôi miên là gì?”, ngoài sự hiểu biết của bản thân mình, mình đã đọc rất nhiều tài liệu khác nhau trong sách và các bài báo khoa học. (danh sách những gì mình đọc ở trong phần tài liệu tham khảo của bài viết này.
Không phải ai làm thôi miên cũng định nghĩa đúng về thôi miên
Trước khi đi vào định nghĩa, mình cũng chia sẻ một sự thật khá buồn cười như này. Một số người đang thực hành thôi miên cho người khác, nhưng khi bất ngờ được hỏi thôi miên là gì, thì không dễ gì họ đưa ra một câu trả lời rõ ràng, trực tiếp và nhanh chóng.
Tại sao mình biết điều này?
- Thứ nhất, mình đã hỏi một số bạn đang làm trong lĩnh vực đào tạo, coaching. Chỉ 1 người trong số 8 người mình hỏi là trả lời được ngay. Một số người khác ấp úng, và cũng cố gắng đưa ra một câu trả lời theo ý hiểu của họ. Tất nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, thì mình thấy câu trả lời của mọi người thường là chưa đúng, hoặc chưa đầy đủ.
- Thứ hai, mình biết điều này bởi vì cách đây hơn ba năm, chính Hưng cũng không định nghĩa được một cách rõ ràng “thôi miên là gì”. Bây giờ chia sẻ lại điều này, mình thực sự thấy xấu hổ.
Mình học thôi miên từ năm 2016, và sau đó vì thấy thôi miên có rất nhiều lợi ích, nên mình đã đưa một số thực hành thôi miên vào trong các khóa học mà mình giảng dạy (ảnh trên). Hưng hiểu bản chất của thôi miên và biết cách thực hành nó để mang lại sự tác động với học viên. Mình đã giúp một số học viên giảm thèm đường, giảm nghiện ăn, tâm lý tự tin hơn, trình bày trôi chảy hơn… bằng cách sử dụng các quy trình thôi miên. Nghĩa là mình biết cách làm nó như thế nào.
Cuối năm 2019, khi mình được một người bạn hỏi “thôi miên là gì”, mình sững người nhận ra rằng mình chưa bao giờ có một khái niệm rõ ràng và toàn diện về thôi miên. Mình tìm hiểu từ nhiều tài liệu và thấy các chuyên gia cũng chưa hoàn toàn thống nhất với nhau.
Mình biết có thể bài viết này sẽ dài, nhưng như những gì mình hứa với bạn ở đầu bài viết, mình sẽ giúp bạn chỉ trong một bài viết, sẽ có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và sự hiểu biết rõ ràng về câu hỏi: “thôi miên là gì”. Vì vậy, nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn hãy đi thẳng đến phần định nghĩa thôi miên. Còn nếu muốn hiểu tường tận, thì mình tin rằng việc đọc hết bài này là cần thiết với bạn.
Mình có một quan điểm thế này: thay vì tìm một cách hời hợt, thì mình làm một lần thôi, đọc một lần thôi – nhưng mình tìm cho đến cùng. Theo mình, đó là cách học tiết kiệm thời gian nhất.
Đọc kỹ sẽ tránh cho bạn những cách hiểu có phần sai lầm của những gì đang được viết trên internet về thôi miên.
Đầu tiên, mình chưa đồng ý với quan điểm của Wikipedia khi cho rằng: “Thôi miên là hình thức dùng để điều khiển tâm trí, ý thức của cá nhân nào đó đối với một đối tượng nhằm đạt mục đích tốt hoặc mục đích xấu. Hiện nay có 4 hình thức thôi miên chính là: cái nhìn cố định, mệnh lệnh dồn dập, thư giãn, mất thăng bằng…”
Nguồn: Wikipedia Tiếng Việt. [1]
Một số điều cần làm rõ ở đây:
- Thôi miên KHÔNG PHẢI là một hình thức điều khiển tâm trí của một người đối với một người khác. Đây là một hiểu lầm cơ bản về thôi miên. Có lẽ các tác giả đã chưa phân biệt rạch ròi “thôi miên” (hypnosis) với “kiểm soát tâm trí” (mind control). Thôi miên không phải là kiểm soát tâm trí.
- Các hình thức thôi miên chính mà Wikipedia nói tới là một vài kỹ thuật thôi miên, không phải hình thức hay phân loại thôi miên. Mình sẽ đưa ra cách phân loại của hầu hết các nhà khoa học và những người thực hành thôi miên trong mục các loại thôi miên ở bên dưới.
Cách định nghĩa này có thể gây hiểu lầm đáng tiếc, khiến mọi người hiểu sai về thôi miên nhiều hơn.
Thôi miên là gì?
Các nhà nghiên cứu còn nhiều tranh luận xung quanh câu hỏi thôi miên là gì. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu nhiều định nghĩa, mình cho rằng hai định nghĩa sau đây thể hiện đúng nhất tinh thần của thôi miên.
Định nghĩa thôi miên của Kendra Cherry

Để trả lời cho câu hỏi thôi miên là gì, Kendra Cherry đã viết trong bài đăng của cô trên verywellmind.com:
“Thôi miên là một trạng thái tinh thần, trong đó mọi người tăng sự chú ý, tăng sự tập trung và nâng cao khả năng đón nhận gợi ý.”
Trích: verywellmind.com
Bạn có thể hiểu khả năng đón nhận gợi ý (suggestibility) là một trạng thái tâm lý thường diễn ra trong thôi miên. Trong đó, người được thôi miên dễ dàng chấp nhận đề xuất của người khác và hành động theo. Điều đó không có nghĩa là người được thôi miên sẽ bị kiểm soát hay thao túng.
Định nghĩa thôi miên của Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (APA)

“Thôi miên là quy trình, hoặc trạng thái gây ra bởi quy trình đó, trong đó gợi ý được sử dụng để gợi lên những thay đổi trong cảm giác, nhận thức, cảm xúc hoặc kiểm soát hành vi vận động.”
Trích: Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (APA)
Tóm lại thôi miên là gì?
Vậy thì ta có thể hiểu thôi miên theo cách nào cũng đúng:
- Cách 1: Thôi miên là một trạng thái tinh thần đặc biệt của con người (trạng thái như trên, mình xin phép không nhắc lại)
- Cách 2: Thôi miên là một quy trình để tạo ra trạng thái tinh thần đặc biệt ấy.
Mặc dù có nhiều quan niệm sai lầm về thôi miên, nhưng thôi miên là một quá trình rất thực tế có thể được sử dụng như một công cụ trị liệu. Thôi miên đã được chứng minh là có lợi ích y tế và điều trị, đáng chú ý nhất là giảm đau và lo lắng. Thậm chí có ý kiến cho rằng thôi miên có thể giúp làm giảm triệu chứng của suy giảm trí nhớ. Mình có trích dẫn các nghiên cứu khoa học ở phần tài liệu tham khảo cuối bài viết này.
Các từ ngữ chuyên ngành trong thôi miên
Đáng lẽ ra, mình sẽ bỏ qua phần này vì trong một bài blog viết cho đại chúng, việc đưa các thuật ngữ khoa học vào có thể gây ra sự dài dòng và khó hiểu. Nhưng cuối cùng mình vẫn quyết định cần viết, vì các tác phẩm ở Việt Nam về thôi miên đại đa số dịch từ tiếng Anh, nên nếu không khéo thì có thể gây hiểu lầm.
Thôi miên hiểu theo nghĩa là một danh từ: “Hypnosis”
Trong câu hỏi thôi miên là gì (what is hypnosis?), thì thôi miên (hypnosis) ở đây là danh từ, chỉ một trạng thái theo định nghĩa bên trên.
Thôi miên hiểu theo nghĩa là một động từ: “Hypnotize”
“Hypnotize” là hành động đưa một người vào trạng thái thôi miên. Vậy nên khi nói rằng “Anh B thôi miên thân chủ của mình” thì tiếng Anh phải là “Mr. B hypnotizes his client”.
Thôi miên hiểu theo nghĩa là một tính từ: “Hypnotic”
Hypnotic là trạng thái do thôi miên gây ra. Ví dụ nói: “Cô ấy đi vào trạng thái thôi miên” thì tiếng Anh là “She went into a hypnotic trance”.
Một ví dụ khác: “giọng thôi miên” là “hypnotic voice”.
Tiếng Việt chúng ta chỉ dùng một từ duy nhất là “thôi miên” nên đôi khi sẽ gây bối rối trong cách diễn đạt và dễ gây hiểu lầm.
Phân biệt được ba từ trên, bạn sẽ có cái hiểu rõ ràng về câu hỏi thôi miên là gì. Hiểu đúng về thôi miên thì bạn mới có thể học hỏi và thực hành thôi miên hiệu quả để có lợi ích cho cuộc sống và công việc của mình.
Thôi miên hoạt động như thế nào?
Những người trong trạng thái thôi miên thường trông có vẻ buồn ngủ và lơ mơ, nhưng trên thực tế, họ đang ở trong trạng thái siêu nhận thức. Các nhà tâm lý tin rằng khi một người ở trạng thái thôi miên thì điều sau đây sẽ xảy ra:
- Ý thức của bạn sẽ trở nên thư giãn, yên bình và dừng lại mọi sự phán xét.
- Tiềm thức trở nên nhạy bén (hoặc nhạy cảm) và hoạt động mạnh mẽ. Tiềm thức là nơi chứa niềm tin, nhận thức, cảm xúc, trí nhớ dài hạn và các mô thức hành vi. Trong trạng thái thôi miên, bạn có thể giao tiếp với tiềm thức và cài đặt tiềm thức theo ý muốn.
- Trong trạng thái này, bạn cởi mở hơn với sự hướng dẫn nhẹ nhàng từ nhà thôi miên để giúp bạn sửa đổi hoặc thay thế niềm tin, nhận thức, mô thức đã tạo ra hành vi hiện tại của bạn.
Chính vì lẽ đó, thôi miên được kỳ vọng là một giải pháp cài đặt tiềm thức và tạo ra sự thay đổi gốc rễ. Bởi vì mọi sự thay đổi của chúng ta phần lớn bắt nguồn từ sự thay đổi trong tiềm thức.
Mời bạn nghe Podcast “Thôi miên có thể giúp nâng tầm cuộc sống của bạn như thế nào”
Các loại thôi miên
Có nhiều loại thôi miên khác nhau, sử dụng cho từng mục đích khác nhau. Ở đây Hưng đưa ra những loại chính.
Thôi miên sân khấu (stage hypnosis)
Thực ra, mình định không xếp thôi miên sân khấu (hay còn gọi là thôi miên biểu diễn) vào danh mục này vì nó giống với ảo thuật nhiều hơn. Hình thức thôi miên này chỉ dùng để giải trí. Sau khi mọi người trầm trò, tò mò, vui vẻ xong thì không để lại một tác dụng gì cho người được thôi miên.
Thôi miên trị liệu (hypnotherapy)
Thôi miên trị liệu là việc sử dụng thôi miên trong trị liệu tâm lý. Thôi miên trị liệu được thực hiện bởi các bác sĩ, nhà tâm lý học và chuyên gia thôi miên trị liệu được cấp phép để giúp người thực hành cải thiện các tình trạng sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Ví dụ: lo lắng, căng thẳng, áp lực, cảm xúc thiếu ổn định, những tổn thương tâm lý trong quá khứ, rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), giảm triệu chứng đau.
Thậm chí đã có nhiều nghiên cứu đang hướng đến khẳng định thôi miên trị liệu là một phương pháp bổ sung cho việc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Tự thôi miên (Self-hypnosis)
Tự thôi miên là một quá trình xảy ra khi một người tự tạo ra trạng thái thôi miên. Ứng dụng phổ biến nhất của tự thôi miên là để giúp kiểm soát cơn đau, giảm căng thẳng…. Tuy nhiên ngày càng có nhiều ứng dụng mở rộng của tự thôi miên đã được chứng minh là hiệu quả.
Ví dụ một vài tác dụng của tự thôi miên
- Nâng cao tự tin.
- Cài đặt niềm tin thành công.
- Tập trung tốt hơn.
- Cải thiện trí nhớ.
- Ngủ ngon và sâu giấc hơn
- Giảm căng thẳng và lo lắng.
- Hỗ trợ trong việc ngừng hút thuốc.
- Giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng.
- Tăng cường sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
- Lập trình thói quen mới tích cực.
- Giúp giảm đau.
- Tư duy tích cực và bình an khi điều trị bệnh.
- Trở nên sáng tạo hơn.
- Bình an cho bà bầu.
- Giảm cảm giác khó chịu trong thai kỳ.
- Thoát khỏi một vài ám ảnh, sợ hãi như: sợ đám đông, sợ không gian hẹp, sợ thang máy, sợ vòi nước…
Còn rất nhiều lợi ích của thôi miên và tự thôi miên. Mình sẽ dành thời gian để viết một bài đầy đủ về những lợi ích này sau. Hãy tham gia cùng mình và trở thành một phần của cộng đồng học tập và thực hành thôi miên.
Lời cuối
Trong bài viết này, mình đã cung cấp cho bạn những khái niệm đầy đủ nhất về thôi miên đến thời điểm hiện tại. Ba loại thôi miên chính gồm thôi miên sân khấu, thôi miên trị liệu và tự thôi miên. Trong đó thôi miên trị liệu và tự thôi miên thực sự có thể giúp bạn tạo ra sự thay đổi.
Thôi miên là một phương pháp rất thú vị để giao tiếp và lập trình tiềm thức theo ý muốn của bạn. Đặc biệt, nó là một phương pháp an toàn và bạn hoàn toàn có thể sử dụng thôi miên để nâng cấp chất lượng cuộc sống của mình: khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, tự tin hơn, thành công hơn…
Nếu bạn muốn tìm hiểu cách sử dụng thôi miên một cách hiệu quả nhất, mình mời bạn tham gia khóa học THÔI MIÊN NHẬP MÔN – Khóa học dành cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về thôi miên. Khóa học này hoàn toàn miễn phí. Bạn chỉ cần đăng nhập, bên Blog sẽ gửi tài khoản để bạn tham gia.

Tác giả: Trần Đức Hưng
- Nhà thôi miên được cấp chứng nhận bởi ABH (The American Board of Hypnotherapy);
- Nhà đào tạo, Tác giả nhiều đầu sách, Cố vấn xây dựng thương hiệu bằng sách & chương trình đào tạo
Liên hệ với Hưng qua:
- Số điện thoại/zalo trợ lý: 0909 880 717
- Facebook: Trần Đức Hưng
- Gia nhập nhóm tự học thôi miên
Tài liệu tham khảo cho chủ đề thôi miên là gì và các tác dụng của thôi miên
Tài liệu tham khảo thôi miên là gì?
- Wikipedia. “Thôi miên”, đăng tại vi.wikipedia.org, (sửa lần cuối vào ngày 1 tháng 1 năm 2023)
- Kendra Cherry, MS & Daniel B. Block, MD. “What Is Hypnosis?”, đăng tại verywellmind.com, (2022)
- APA Dictionary of Psychology. “Hypnosis”, đăng tại: dictionary.apa.org, (truy cập lần cuối ngày 20/05/2023).
- Cẩm nang 21 ngày LÀM CHỦ NGHỆ THUẬT THÔI MIÊN| Ths tâm lý Lê Văn Thịnh & Trần Đức Hưng
Tài liệu tham khảo và các nghiên cứu liên quan đến các tác dụng của thôi miên
- Leonard S. Milling, Keara E. Valentine, Lindsey M. LoStimolo, Alyssa M. Nett & Hannah S. McCarley (2021) Hypnosis and the Alleviation of Clinical Pain: A Comprehensive Meta-Analysis, International Journal of Clinical and Experimental Hypnosis, 69:3, 297-322, DOI: 10.1080/00207144.2021.1920330
- Hayat Sine, Abderrahmane Achbani & Karim Filali (2022) The Effect of Hypnosis on the Intensity of Pain and Anxiety in Cancer Patients: A Systematic Review of Controlled Experimental Trials, Cancer Investigation, 40:3, 235-253, DOI: 10.1080/07357907.2021.1998520
- Milling, L. S., Gover, M. C., & Moriarty, C. L. (2018). The effectiveness of hypnosis as an intervention for obesity: A meta-analytic review. Psychology of Consciousness: Theory, Research, and Practice, 5(1), 29–45. https://doi.org/10.1037/cns0000139
- Lam TH, Chung KF, Yeung WF, Yu BY, Yung KP, Ng TH. Hypnotherapy for insomnia: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials. Complement Ther Med. 2015 Oct;23(5):719-32. doi: 10.1016/j.ctim.2015.07.011. Epub 2015 Aug 4. PMID: 26365453.
- Ran D. Anbar, MD. “How can Attention Deficit Hyperactivity Disorder be Treated with Hypnosis?”, đăng trên: centerpointmedicine.com, (truy cập lần cuối vào 20/05/2023).